Năm nay là năm 2020, nhân loại toàn cầu đang sống trong không gian và thời gian của thế kỷ 21.

Bạn đang xem: Doraemon - chú mèo máy đến từ tương lai thế kỷ 22

Theo bộ truyện Doraemon, năm 2112 là năm chú mèo máy Doraemon được ra đời tại công xưởng Matsushiba chuyên sản xuất robot ở thế kỷ 22.

*

Bối cảnh cậu bé Nobita cùng bạn bè của mình sinh sống là thành phố Tokyo, nước Nhật vào thập niên 70 của thế kỷ 20. Thử so sánh cuộc sống của các nhân vật trong truyện ở thế kỷ 20 so với thế kỷ 21 sẽ có nhiều điểm khác biệt lớn về mặt khoa học – công nghệ:

Máy tính để bàn hay máy tính cá nhân chưa có.Điện thoại di động vẫn chưa có, huống hồ chi smartphone.Mạng lưới Internet toàn cầu chưa hình thành, muốn tra cứu tài liệu chỉ có tra từ điển hoặc sách vở.

Thử tưởng tượng, nếu cuộc sống ở thế kỷ 21 của bạn không có 3 “bảo bối thần kỳ” trên thì trải nghiệm sống của bạn sẽ bị giới hạn như thế nào?

*

Rải rác trong nhiều tập truyện, từ truyện ngắn đến truyện dài của Doraemon, độc giả có dịp chứng kiến viễn cảnh một tương lai huy hoàng ở thế kỷ 22 qua ngòi bút của bộ đôi tác giả Fujiko Fujio, mà ở đó:

Các phương tiện giao thông trên đường đều là xe tự hành, không chỉ có xe chạy trên đường bộ mà còn có xe bay trên đường hàng không.Các dịch vụ công cộng như thời trang, ăn uống đều không có nhân viên là con người phục vụ mà chỉ có robot phục vụ, mọi quy trình đều trở nên tự động hóa (automation). Đặc biệt là nhiều dịch vụ được cung cấp hoàn toàn miễn phí như quần áo được in 3D trực tiếp theo chỉ số cơ thể từng người, thức ăn nhân tạo được chế biến từ phòng thí nghiệm mà không cần phải giết hại động vật.Siêu thực tế ảo giúp trải nghiệm các trò chơi y như đời thực, như trò đại chiến không gian mà cậu bé Sewashi chơi với cụ cố Nobita của mình ở thế kỷ 22.Du lịch không chỉ là đi từ đất nước này đến đất nước khác trên Trái Đất, mà là du lịch tầm vũ trụ khi có dịch vụ tàu du lịch vũ trụ đi xuyên qua dải ngân hà (truyện dài “Hành trình qua dải ngân hà”), và mùa hè của tụi nhóc ở thế kỷ 22 là đi du lịch tới sao Hỏa, sao Kim… để tham quan.Nhiều robot công nghệ cao như Doraemon được sản xuất nhằm mục đích chăm sóc và làm bạn với trẻ nhỏ, để giúp đỡ bọn trẻ phát triển và hoàn thiện nhân cách. Như Doraemon vốn dĩ là chú mèo máy thuộc sở hữu của cậu bé Sewashi, là con cháu nhiều đời sau của Nobita nhưng về sau Sewashi gửi lại cho cụ cố Nobita của mình nhằm cải thiện cuộc sống của ông mình.

Tương lai ở thế kỷ 22 là một tương lai đầy hứa hẹn với nhân loại toàn cầu, khi một số công nghệ hiện đã được đưa vào nghiên cứu và ứng dụng nhưng còn đang nằm trong phòng thí nghiệm và chưa được phổ biến ở mức độ toàn cầu. Có thể với một số bạn, viễn cảnh ở thế kỷ 22 là một tương lai rất xa vời so với hiện tại, nhưng thử đổi góc nhìn từ một người ở thế kỷ 20 nhìn về thế kỷ 21, bạn sẽ nhận ra những sản phẩm khoa học – công nghệ ngày nay chúng ta đang sử dụng cũng là một thứ “xa xỉ phẩm” mà người ở thế kỷ 20 không dám tưởng tượng tới.

*

Trong cuộc chạy đua đến với thế giới tương lai, đa số chúng ta sẽ dễ hoảng sợ khi nghĩ đến viễn cảnh người nghèo bị mắc kẹt lại ở tầng đáy của xã hội, còn người giàu thì lại có nhiều cơ hội tận dụng các công nghệ của tương lai để khiến cho đời sống của họ trở nên tiện nghi và vượt trội hơn so với người nghèo. Chính tâm lý FOMO (Fear of Missing Out – hội chứng sợ bỏ lỡ, sợ mất cơ hội) này khiến một số người nghèo hoặc trung bình trở nên lo lắng, sợ hãi, bất an về tương lai của chính mình, và bắt đầu lao vào cuộc chạy đua kim tiền để tìm đủ mọi cách làm sao cho mình trở nên giàu có hơn và gia nhập vào tầng lớp người giàu.

Thực tế là, các dự báo về tương lai chỉ mang tính chất dự báo, và đã là dự báo thì sẽ có trúng có trật. Bạn không việc gì phải vội, vì tương lai chắc chắn cũng sẽ xảy đến.

Năm mình học lớp 4 (năm 2003), mùa hè cả nhà hay vào Sài Gòn đi Đầm Sen/Suối Tiên chơi với gia đình những người bạn của ba mình. Lúc đó có một anh hơn mình vài tuổi được ba ảnh mua cho cái iPod nghe nhạc màu trắng rất cool ngầu, version của năm đó, mà bây giờ khi mình tra lại lịch sử iPod thì đúng y chóc phiên bản iPod 3G sản xuất năm 2003 (năm thứ 3 iPod ra đời trên toàn cầu). Thời điểm đó muốn giải trí bằng hình thức máy nghe nhạc cầm tay, chỉ có mua radio hay máy cát-sét để nghe nhạc, nên iPod với mình là một thứ rất lạ lẫm và là xa xỉ phẩm. Phải tầm 5 năm sau đó, các dòng máy nghe nhạc MP3, MP4 mới được bán đại trà và bắt đầu thịnh hành trong giới học sinh, tất nhiên iPod lúc đó vẫn là hàng cao cấp, nhưng công nghệ nghe nhạc trong máy bỏ túi thì lúc đó ai cũng được trải nghiệm.

Năm mình học lớp 7 (năm 2006), ba mua cho mình bộ máy tính để bàn đầu tiên. Thời điểm đó nhiều bạn bè cùng trang lứa không phải ai cũng được sở hữu máy tính cá nhân, đa số muốn chơi máy tính phải ra ngoài các tiệm Internet. Đến lúc mình học cấp ba thì cũng chỉ có một số ít những bạn học chuyên Toán-Tin hay bạn nào nhà có điều kiện mới được sắm sửa máy tính để học tin học văn phòng. Đến năm 2011 khi mình vào Đại học, ở kí túc xá phòng 8 người thì 6/8 người đều có laptop riêng, sang tới năm sau thì những bạn còn lại cũng đã sắm sửa được laptop. Tuy mình có lợi thế cạnh tranh là sử dụng máy tính sớm hơn nhiều bạn, nhưng thực tế là sau đó chỉ 5 năm sinh viên nào cũng có máy tính riêng để xài và nhiều bạn trình độ CNTT “pro” hơn mình nhiều.

Lần đầu tiên mình dùng smartphone là năm 2011, khi đó con đầu tiên dùng là Nokia Lumia. Thời điểm đó thì smartphone đã bắt đầu phổ biến trong giới học sinh, sinh viên thành phố, nhưng với những người dân quê thì smartphone vẫn còn là thứ xa lạ và xa xỉ phẩm, khi đa số đều xài điện thoại “cục gạch” Nokia có bàn phím. Nhưng trôi vèo một cái tới tầm 2016, khi mình về quê thì thấy smartphone tràn ngập khắp mọi miền quê, mấy chú mấy dì trung niên đã biết lướt và chạm trên màn hình. Và đến khoảng 2018, lúc đó smartphone trở thành hàng đại trà tới mức tụi học sinh dưới quê còn được ba mẹ mua cho một cái để xài, và giờ đứa con nít nào cũng biết cầm smartphone coi Youtube rành sáu câu.

Quay trở lại những năm 2008, lúc mình mới học cấp ba, khi đó truyền hình cáp kỹ thuật số VTC đang rất thịnh hành ở một số hộ dân thành phố, và kênh nghe nhạc tương tác đình đám một thời iTV thì nhà nào xài cáp cũng biết. Tuy nhiên, có những đứa bạn cùng xóm, không phải nhà nào cũng có điều kiện lắp truyền hình cáp nên trên TV chỉ xem được vài kênh truyền hình quốc dân như VTV1, VTV3, HTV7, HTV9 và kênh riêng của tỉnh nhà. Nhưng chỉ sau đó 3 năm, khắp cả xóm mình đi tới nhà nào cũng đều thấy sử dụng các gói dịch vụ truyền hình cáp.

Năm 2015, nhà mình mới bắt đầu sử dụng dịch vụ SmartTV kết nối Internet, lúc đó ở quê thì họ hàng nội ngoại của mình vẫn còn đang xem TV bình thường và còn chưa xài truyền hình cáp. Nhưng tới năm 2018, đa số các hộ dưới quê đã chuyển sang dùng SmartTV vì bây giờ nhà nào cũng xài wifi hết rồi và người già trẻ nhỏ có thể coi mải miết tám chục kênh giải trí trên TV cả ngày không biết mệt chứ không còn là 5 kênh truyền hình truyền thống như ngày nào.

Điểm qua vài ví dụ điển hình để bạn thấy một điều rằng, người giàu tuy có lợi thế đi trước vài bước để trải nghiệm công nghệ sớm hơn, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa người nghèo sẽ bị bỏ lại hay không bao giờ chạm tới được tiện nghi công nghệ của tương lai. Bởi lẽ, quy luật chung của cách mạng khoa học – công nghệ là hướng tới sự ứng dụng các phát minh ở mức độ phổ quát trong đời sống nhân loại chứ không chỉ áp dụng riêng cho một nhóm người nào. Khi chi phí nghiên cứu và sản xuất giảm xuống, giá thành trở nên rẻ hơn thì lúc đó bất kỳ ai cũng sẽ được tiếp cận và sử dụng các phát minh công nghệ mới một cách đại trà.

*

Như viễn cảnh thế kỷ 22 trong bộ truyện Doraemon, đó là viễn cảnh về một thế giới tương lai mà một gia đình bình thường như cậu bé Sewashi (chắt của Nobita) cũng được trải nghiệm rất nhiều tiện nghi của các phát minh công nghệ chứ chẳng cần phải là một người siêu giàu như nhà chắt của Suneo.

Ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn còn 92 năm nữa để tiến vào năm 2112 là năm Doraemon ra đời. Những người đang đọc bài viết này, có thể bạn cũng không dám chắc mình có sống thêm được 92 năm nữa không để được trải nghiệm thế giới tương lai huy hoàng đó. Lỡ gặp rủi ro gì đó mà dương thọ của bạn phải dừng lại giữa đường trong chặng đường 92 năm này, liệu bạn có cảm thấy hối tiếc?

Xin thưa rằng, không có gì phải hối tiếc, và một lần nữa không việc gì phải vội, vì tương lai chắc chắn cũng sẽ xảy đến. Nếu bạn tin có linh hồn và đời sống ở cõi sau, tức có kiếp quá khứ, kiếp hiện tại và kiếp vị lai thì nếu không kịp trải nghiệm thế giới tương lai trong sự hạn hữu của kiếp này, lúc đó tương lai của bạn sẽ là tương lai của linh hồn khi tái sinh vào một kiếp sống ở đời tiếp theo, và đời sống đó sẽ nằm ở lộ trình phát triển của nhân loại ở thì tương lai. Ví dụ bạn tái sinh vào một kiếp sống ở năm 2100 chẳng hạn thì tới năm 12 tuổi, bạn cũng sẽ được tận hưởng sự tiện ích huy hoàng của thế giới tương lai.

Còn nếu không tin có linh hồn thì sao? Thì bạn cứ tiếp tục theo đuổi những gì hệ giá trị và niềm tin bạn đang theo đuổi hiện tại. Mỗi người sẽ có một lựa chọn riêng cho hành trình sống của mình.

Vậy chúng ta cần chuẩn bị tâm thế như thế nào để tiến bước vào thế kỷ 22? Sau đây là một số lời khuyên của Chơn Linh:

1. Thay vì hướng tới một ảo cảnh trong tương lai (mà bạn còn chưa biết nó có xảy ra hay không), hãy tập trung vào cuộc sống của bạn ở thì hiện tại bằng cách tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc trên hành trình bạn đang đi. Sống chậm lại một chút, và không việc gì phải vội. Nếu đã biết tương lai nằm ở phía cuối con đường, việc gì phải vội vàng khi có người đi trước ta vài ba bước?

2. Thay vì hướng ra những vật chất hữu hình ở bên ngoài, hãy hướng vào bản thể của mình ở bên trong để quán xét mình còn thói hư tật xấu, khuyết điểm gì để từ từ sửa chữa từng ngày cho tốt lên, đó gọi là tu tâm dưỡng tánh. Như cậu bé Nobita vốn có rất nhiều khuyết điểm, vừa hậu đậu vừa yếu đuối vừa nhút nhát, nhưng nhờ sự đồng hành của Doraemon nên ở cuối hành trình, Nobita đã lột xác trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình và cải sửa được vận mệnh đen đủi của bản thân.

3. Con người sẽ không thể tỉnh giấc mộng cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, khi họ phải chứng kiến sự sụp đổ và phù vân của những thứ vật chất mà họ đã cố công xây dựng và theo đuổi cả cuộc đời. Thay vì theo đuổi những giá trị vật chất, hãy xem vật chất là phương tiện để giúp bạn trải nghiệm hành trình. Không cần phải so sánh với người đi ô tô khi bạn đi xe máy, vì sau lưng bạn vẫn còn nhiều người đi xe đạp và đi bộ. Năng lực của bạn quy đổi được phương tiện ở nấc nào thì hãy tận dụng cho tốt phương tiện ở ngay nấc đó.

4. Ngừng mua những thứ chúng ta không cần, với tiền bạc chúng ta chưa sở hữu (như vay mượn, nợ tín dụng) để gây ấn tượng với đám đông chúng ta không ưa. Đừng kiến tạo những giá trị ảo chỉ để thỏa mãn cái tôi của mình mà không hề đem lại bất cứ ý nghĩa nào cho cuộc sống của bạn. Tự nhiên luôn có đủ những chứ con người CẦN, nhưng không đủ cho những thứ con người MUỐN. Biết đủ là đủ, chờ cho đủ thì bao giờ mới đủ?

5. Dù bạn được sinh ra trong hoàn cảnh như thế nào, được số phận đặt để cho mình một vai diễn ra sao (ý nói tính chất nghề nghiệp của bạn) trên sân khấu cuộc đời thì hãy nỗ lực để diễn cho tròn vai đó. Học cách sống “tận nhân lực, tri thiên mệnh”, hiểu nôm na là sống hết mình và sống thuận theo quy luật tự nhiên thì bạn sẽ có được một cuộc sống trọn vẹn và không có gì phải hối tiếc. Khi tâm bình thản thì mọi biến thiên hay khó khăn, thử thách ở đời cũng chỉ là một màn kịch trên sân khấu để thử thách năng lực diễn xuất (hiểu theo nghĩa bóng là khả năng ứng phó tình huống) của bạn tới đâu.

Xem thêm: Sự Thật Về Thông Số Làm Sáo Mèo, Xin Thông Số Làm Sáo Mèo

5 lời khuyên ở trên là những nền móng hết sức cơ bản để giúp bạn sửa soạn cho mình một linh hồn đẹp ở ngay trong kiếp sống hiện tại. Khi bạn sở hữu một linh hồn đẹp, chuyện chu du vào thế kỷ 22, 23 hay thậm chí 30 để đón chào một tương lai huy hoàng chỉ là chuyện sớm muộn trong hành trình của linh hồn.